RỐI LOẠN TRẦM CẢM
( Depressive disorder ).
Phạm Đức Thịnh.
- KHÁI NIỆM CHUNG:
1) Định nghĩa:
Trầm cảm là rối loạn tâm thần biểu hiện : Giảm khí sắc, giảm năng lượng và giảm hoạt động.
Bệnh nhân có khí sắc buồn rầu, ủ rũ, giảm hứng thú, cảm thấy tương lai ảm đạm, tư duy chậm chạp, liên tưởng khó khăn. Bệnh nhân tự cho mình là hèn kém, giảm sút lòng tự tin, thường có hoang tưởng bị phạm tội rồi dẫn đến tự sát. Giảm vận động, ít nói, thường nằm hoặc ngồi lâu ở một tư thế. Kèm theo rối loạn chức năng sinh học ( mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi ).
Trong một số trường hợp, trạng thái lo âu buồn phiền và kích động có thể từng lúc xuất hiện nổi bật hơn là trầm cảm. Trầm cảm cũng có thể biểu hiện bằng những triệu chứng cơ thể.
Trong cơn trầm cảm, bệnh nhân có thể tự sát hoặc giết người thân rồi tự sát. Vì vậy cần phải chú ý đề phòng và điều trị kịp thời.
Rối loạn trầm cảm chiếm một vị trí quan trọng trong bệnh học tâm thần và thường gặp nhất trong thực hành thầy thuốc đa khoa, chuyên khoa khác.
2) Tỷ lệ mắc bệnh:
Trong vài chục năm gần đây, số người bị trầm cảm ngày càng tăng. Ở Pháp theo Lepine và cộng sự (1993 ) thấy trong cả cuộc đời: nam chiếm 10,7 % nữ tới 22,4 %. trong một năm nam :3,4 %, nữ: 6,0 %.
Ở Mỹ theo Kessler và cộng sự (1994) thấy tỉ lệ mắc chung trong cả cuộc đời là 3,4 %.
Ở Đài Loan theo HWU và cộng sự (1982 ) chỉ có 1,7 % .
Ở Hàn Quốc ( Seoul ) theo Lie và cộng sự (1978) tỷ lệ mắc chung là 3,4%.
Ở Việt Nam tại xã Quất Động, huỵện Thường tín, Hà Tây theo điều tra dịch tễ BVTTTW(1999 ) thấy tỉ lệ chung là 8,35%.
WHO _ TCYTTG ước tính 5% dân số thế giới bị rối loạn trầm cảm trong cuộc đời. Năm 2001 có 121 triệu người bị trầm cảm.
Tỷ lệ theo giới tính: Nữ 2 nam 1.
Địa điểm cư trú: Dân sống ở vùng thành thị bị trầm cảm nhiều hơn ở nông thôn.
Tuổi: xuất hiện ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở độ tuổi trên 50.
- HÌNH THÁI LÂM SÀNG:
Rối loạn trầm cảm rất đa dạng và rất phức tạp. Dưới đây là các thể lâm sàng thường gặp:
2.1. Trầm cảm nội sinh: Thời kỳ đầu tiến triển từ vài tuần đến vài tháng, với các hiện tượng mất ngủ, mệt mỏi, giảm khí sắc, lo lắng đến sức khoẻ và tương lai. Thời này toàn phát có 3 triệu chứng đặc trưng ức chế cảm xúc, ức chế tư duy và ức chế vận động.
Ức chế cảm xúc là triệu chứng chủ yếu. Bệnh nhân biểu hiện một nỗi buồn chán sâu sắc vô cớ và khó giải khuây, gọi là nỗi buồn sinh thể, mang tính chất nội sinh; nhiều rối loạn cảm giác cơ thể: ngột ngạt, nôn nao, cảm thấy đau hết từ chỗ này đến chỗ khác, v.v…Bệnh nhân than vãn về trạng thái mất hết tình cảm, không biết yêu ghét, giận hờn, vì vậy rất đau khổ (mất cảm giác tâm thần- đau khổ ). Có kèm theo các triệu chứng giải thể nhân cách (đầu trống rỗng, cơ thể biến đổi,vv. ) và tri giác sai lệch về thực tại ( xung quanh lờ mờ, xam xám,v.v…). Nét mặt ủ rũ, già sọm, kém linh hoạt, cau mày nhăn trán, nhìn đăm đăm,vv…
Ức chế tư duy: tư duy nghèo nàn , đơn điệu, bị choán bị bởi các chủ đề trầm cảm, liên tưởng chậm, khó kết hợp các ý để lĩnh hội một vấn đề. Bệnh nhân nói ít, gần như không nói, nếu gặng hỏi thì trả lời thì thào, tiếng một. Có nhiều ý nghĩ tự ty hoặc hoang tưởng tự buộc tội.
Ức chế vận động: bệnh nhân ngồi im hàng giờ, khom lưng, cúi đầu hay nằm co ở góc giường, trùm trăn. Hoạt động hạn chế, chậm chạp, đơn điệu. Ngoài ra còn xuất hiện các triệu chứng khác do toàn bộ hoạt động tâm thần bị ức chế và nỗi buồn chi phối; sự tập chung chú ý bị giảm sút; trí nhớ và hồi tưởng kém, khó khăn, bệnh nhân chỉ nhớ lại những sự kiện khó chịu để làm chủ đề cho sự nghiền ngẫm trầm cảm; ý chí giảm sút, từ do dự, bất lực tiến tới mất nghị lực hoàn toàn; ảo tưởng, ảo giác phản ánh nội dung của tự buộc tội (bệnh nhân nghe tiếng nói tuyên bố hình phạt, nhìn thấy quan tài, nghe tiếng khóc,v.v.); ý tưởng và hành vi tự sát thường xuất hiện ở bất cứ giai đoạn nào (khởi phát, bình phục, vv.). Bỏ ăn là biểu hiện của ý nghĩ muốn chết. Vì vậy bệnh nhân cần được theo dõi nghiêm ngặt như một ca cấp cứu. Bệnh nhân có thể tự sát bằng nhiều dạng: Tự sát cố ý, có chuẩn bị (tích trữ thuốc độc, chốn bỏ bệnh viện hoặc giả vờ khỏi bệnh xin đi phép, để tự sát, vv.); trong cơn buồn cao độ, bệnh nhân tự sát bất thần hoặc giết người thân rồi tự sát. Bệnh nhân tự sát bằng nhiều cách: Tự cắt xẻo, tự thiêu, nhảy từ tầng cao xuống đất, thắt cổ, nhảy xuống nước, lao vào ô tô vv. Các rối loạn thực vật nội tạng thường gặp: chán ăn, buồn nôn, táo, ỉa lỏng, đau đầu, giảm dục năng, giảm cảm giác, giảm trương lực cơ.
Trầm cảm nội sinh có đặc diểm là biểu hiện nặng lên về buổi sáng và nhẹ đi vào buổi tối. Nếu không được điều trị, cơn trầm cảm có thể kéo dài vài tuần đến nhiều tháng. Nếu được điều trị, cơn rối loạn rút ngắn thời gian, bệnh nhân ăn ngủ tốt lên, hoạt động trở lại và dần dần bình phục. Tiến triển của thể trầm cảm nội sinh: trầm cảm xuất hiện từng giai đoạn, giữa các giai đoạn khí sắc bình ổn hoàn toàn, không làm biến đổi nhân cách và không đi đến sa sút tâm thần.
Các thể không điển hình của trầm cảm nội sinh, tuỳ theo cấu trúc lâm sàng và sự nổi bật một loại triệu chứng nào đó, chia ra các loại sau:
2.2.1 Trầm cảm sững sờ: bệnh nhân bị ức chế tâm thần , vận động nặng nề, đờ đẫn, bất động, không phản ứng với kích thích bên ngoài, mất nói, tuy nhiên nét mặt thất vọng và đôi khi những lời rên rỉ vẫn thể hiệ một nỗi đau tâm thần mãnh liệt. Trên nền tảng sững sờ, có thể xuất hiện đột ngột cơn xung động trầm cảm với kích động tự hoại thân thể và tự sát.
2.3.2. Trầm cảm kích động: có thể là một hồi của cơn trầm cảm hay kéo dài suốt cơn bệnh. Trên bệnh cảnh, trầm cảm lo âu nổi lên hàng đầu, bệnh nhân không ngồi yên một chỗ, luôn luôn đi lại, nhiều động tác tay chân, than vãn đơn điệu với chủ đề lo âu hoặc hoang tưởng. Trong cơn kịch phát lo âu, có thể phát sinh cơn xung động với hành vi chạy trốn, tự cắt xẻo mình hoặc tự sát.
2.1.3. Trầm cảm nghi bệnh: bệnh nhân cho rằng mình mắc một bệnh không thể chữa được. Đôi khi có cảm giác nặng nề đau đớn ở những bộ phận khác nhau của cơ thể. Tăng cảm, giảm cảm, dị cảm, nhịp tim nhanh chậm thất thường. Do đó thể này gọi là trầm cảm loạn cảm giác trong, cũng có khi dao động khí sắc trong ngày kèm theo nhiều rối loạn thần kinh thực vật (chán ăn, táo bón, mất kinh,vv.) nên còn xếp vào nhóm này loại trầm cảm thực vật.
2.1.4. Trầm cảm ám ảnh: trong bệnh cảnh lâm sàng nổi lên ám ảnh sợ (sợ chiều cao, sợ bị bệnh, vv.) Thường gặp trạng thái ám ảnh hình tượng thì nội dung không rõ ràng và không đặc trưng với trầm cảm tuần hoàn. Khi trầm cảm nặng lên thì ám ảnh mất đi, khi trầm cảm nhẹ thì ám ảnh lại xuất hiện. Khi cơn trầm cảm kết thúc, ám ảnh tan biến hoặc trở nên hết sức thô sơ. Cơn trầm cảm ám ảnh dễ phát triển ở những người hay lo âu, nghi ngờ hoặc dao động cảm xúc.
2.6. Trầm cảm hoang tưởng: bệnh nhân bao giờ cũng có khí sắc đau khổ, nội dung một vài ý nghĩ đơn điệu, cố định, lặp đi lặp lại, tin tưởng tuyệt đối vào hoang tưởng không gì lay chuyển được. Chủ đề hoang tưởng thường là những sai lầm khuyết điểm trong quá khứ với sự phóng đại hậu quả đến mức phi lí, cũng có thể là khuyết điểm do tưởng tượng ra. Bệnh nhân thường có những có ý tưởng tự ti, tự buộc tội, thường nói “tôi mất hết phẩm chất, mất hết khả năng, tôi là gánh nặng cho gia đình”. Những ý nghĩ hoang tưởng rất đa dạng. Bệnh nhân nghĩ rằng “những người xung quanh đang chú ý đến mình, qua vẻ mặt, thái độ rõ ràng là những người xung quanh đã biết rõ sai lầm của mình”, “mình có tội lỗi, sắp bị bắt, bị hành hình”; hoặc cho rằng người thân bị chết, tài sản bị tiêu tan, quê hương bị sụp đổ, một mình (bệnh nhân) sống trong đau khổ hoặc đày đoạ (hoang tưởng Cotard). Đồng thời với trạng thái hoang tưởng có thể xuất hiện trạng thái ảo tưởng, ảo giác, phản ánh nội dung bị tội lỗi.
2.1.6. Trầm cảm ẩn: các triệu chứng giống như các triệu chứng của một bệnh cơ thể nổi bật lên, còn có các chứng trầm cảm thì mờ nhạt không xuất hiện.
Về tiêu hoá: biểu hiện chán ăn, đau thượng vị, nặng bụng.
Về tim mạch – hô hấp: thường gặp đau vùng trước tim, ngột ngạt; cơn khó thở, cơn ngất xỉu xuất hiện. Ngoài ra còn có các triệu chứng đau đầu, đau răng, đau thắt lưng,vv… Không có các tổn thương thực thể cắt nghĩa được các triệu chứng trên; các triệu chứng tiến triển thành từng giai đoạn theo từng cơn chu kì, dao động trong ngày (nặng lên vào buổi sáng, nhẹ đi vào buổi tối). Có thể xen kẽ các cơn trầm cảm điển hình. Người bệnh quá lo âu về bệnh tật của mình, bi quan; giảm bớt hứng thú, giảm sức chịu đựng trong hoàn cảnh sống căng thẳng. Rối loạn trầm cảm ẩn có thể do yếu tố di truyền, cơn trầm cảm xuất hiện theo từng thời kì.
2.1.7. Trầm cảm ở trẻ em: nhiều tác giả nêu lên các biểu hiện trầm cảm đa dạng về lâm sàng và bệnh sinh ở trẻ sơ sinh và thiếu niên. Ở trẻ sơ sinh có biểu hiện các biểu hiện thờ ơ, bỏ bú, chán ăn, rối loạn phát triển toàn thân, rối loạn giấc ngủ. Ở trẻ lớn hơn, ngoài các triệu chứng trên, có thể thấy biểu hiện buồn chán, lo lắng, cảm giác tự ti, thất vọng.
2.2. Trầm cảm tâm sinh: là trạng thái phản ứng của một nhân cách yếu đối với môi trường không thuận lợi. Đặc điểm của biểu hiện lâm sàng không sâu sắc như trầm cảm nội sinh. Bệnh nhân ít có tưởng bị buộc tội. Trầm cảm mang sắc thái loạn cảm (cơn khóc, cơn than vãn về nỗi khó khăn, nỗi bất hạnh, cho rằng mình là bệnh nhân). Các triệu chứng trầm cảm thường phản ánh tình huống sang chấn tâm lí. Bệnh nhân lo lắng với nhiều triệu chứng giống như triệu chứng của một cơ thể (chóng mặt, tức ngực, run,vv.). Bệnh nhân vẫn giữ được sự kì vọng tìm sự thiện cảm và che chở. Các triệu chứng ức chế (mệt mỏi, thờ ơ, chán nản, bất lực) xuất hiện ngay lúc ngủ dậy; bệnh nhân không mất cảm giác tình cảm, không có nét mặt kém linh hoạt và vận động chậm. ý tưởng tự sát không mạnh. Có khi đe doạ tự sát để gây áp lực hoặc kêu gọi sự giúp đỡ. Tuy vậy, bệnh nhân cần được theo dõi nghiêm ngặt, đề phòng tự sát. Trạng thái trầm cảm đôi khi có tính phản ứng rõ rệt với thái độ của người xung quanh. Sự thờ ơ hay sự chăm sóc quá đángđều có hại. Trầm cảm tâm sinh bao gồm một nhóm trầm cảm không đồng nhất về bệnh cảnh. Có 2 nhóm chính sau:
2.2.1. Trầm cảm phản ứng: là một thể của loạn thần phản ứng với một hoạt động tâm thần có thể rối loạn đến mức mất tính toàn vẹn, tính thống nhất. Có những rối loạn về hoạt động nhận thức, ý thức, tiếp xúc, hành vi. Thường xuất hiện cấp ngay sau một sang chấn tâm lí mạnh, đột ngột (người thân chết bất ngờ, thất tình, tổn thất danh dự, vv. ). Nếu được điều trị, bệnh nhân thường khỏi nhanh và khỏi hẳn.
2.2.2 Trầm cảm tâm căn như là một triệu chứng của bệnh tâm căn: khí sắc trầm, giảm hứng thú, dễ cảm động, lo lắng về bệnh tật, về những điều không may có thể xảy ra. Loại này xuất hiện sau một thời gian sang chấn, thường là nhiều xung đột căng thẳng kéo dài (ví dụ mâu thuẫn gia đình). Tiến triển của bệnh : ở người trung niên và ở người già thường kéo dài, khi tăng khi giảm. Bệnh tăng lên khi có các sự kiện gợi nhớ sang chấn tâm lí ban đầu. Tiên lượng phụ thuộc vào phương thức tác động của sang chấn gây bệnh. Về nguyên tắc, bệnh có thể chữa khỏi nếu như không có các bệnh tật khác kèm theo.
2.3. Trầm cảm triệu chứng: có đặc điểm lâm sàng từ nhẹ đến sâu sắc. Trầm cảm tồn tại trong một giai đoạn hay kéo dài trong quá trình bệnh tiến triển. Trầm cảm diễn biến tuỳ theo sự tiến triển của bệnh chính, tuỳ cường độ của tác nhân gây hại và sức phản ứng của từng cơ thể. Các hội chứng có thể gặp là hội chứng trầm cảm paranoid và hội chứng trầm cảm không điển hình.
Hội chứng trầm cảm paranoid có các triệu chứng buồn rầu, sợ hãi, kích động, lo âu; ảo tưởng lời nói, hoang tưởng bị tội; có thể kèm theo rối loan ý thức, mê sảng, lú lẫn, kích động giống động kinh. Các triệu chứng tăng lên về đêm. Hội chứng trầm cảm không điển hình có các triệu chứng kích động lo âu (than khóc) kèm theo các ý tưởng nghi bệnh, loạn cảm giác bản thể (khó chịu ở những vùng khác nhau). Trầm cảm có thể gặp trong các bệnh nhiễm khuẩn (ví dụ bệnh cúm), các bệnh thực tổn của não (ví dụ: xơ vữa động mạch não), các bệnh nội tiết (ví dụ: bệnh cushing) trong quá trình điều trị thuốc (các loại stéroide).
III. PHÂN LOẠI TRẦM CẢM THEO ICD10 (1992):
1) Giai đoạn trầm cảm:
Trong các giai đoạn trầm cảm điển hình thuộc 3 loại được mô tả dưới đây nhẹ (F32.0), vừa (F32.1) và nặng (F32.2 và F32.3) bệnh nhân thường có khí sắc trầm, mất mọi quan tâm, và thích thú, giảm năng lượng dẫn đến tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động. Phổ biến là mệt mỏi rõ rệt chỉ sau một cố gắng nhỏ. Những triệu chứng phổ biến khác là:
- a) Giảm sút sự tập trung và sự chú ý.
- b) Giảm sút tính tự trọng và lòng tự tin.
- c) Những ý tưởng bị tội và không xứng đáng (kể cả trong giai đoạn nhẹ).
- d) Nhìn vào tương lai ảm đạm và bi quan.
- e) Ý tưởng và hành vi tự huỷ hoại hoặc tự sát.
- f) Rối loạn giấc ngủ.
- g) Ăn ít ngon miệng.
Khí sắc giảm thay đổi ít từ ngày này sang ngày khác và thường không tương ứng với hoàn cảnh, cơn có thể biến đổi đặc biệt trong ngày càng về sau càng rõ. Cũng như giai đoan hưng cảm, các bệnh cảnh lâm sàng có biến đổi rõ rệt tuỳ theo cá nhân và những biểu hiện không điển hình là đặc điểm phổ biến ở tuổi thanh thiếu niên. Trong một số trường hợp, lo âu, buồn phiền kích động thỉnh thoảng có thể nổi bật hơn là sự trầm cảm và sự thay đổi cảm xúc có thể bị che đậy bởi những nét thêm vào như là: cau có, lạm dụng rượu, tác phong kịch tính và các triệu chứng sợ ám ảnh và triệu chứng ám ảnh có từ trước tăng lên, hoặc bị che đậy bởi lo âu nghi bệnh.
Đối với những giai đoạn trầm cảm thuộc 3 mức độ thường cần phải có ít nhất 2 tuần để làm chẩn đoán, nhưng cũng có thể cần thời gian ngắn hơn nếu triệu chứng nặng bất thường và khởi phát nhanh.
Một số triệu chứng trên có thể rõ rệt và phát triển những nét đặc trưng, các trệu chứng đó được mọi người coi là có ý nghĩa lâm sàng đặc biệt.Những ví dụ điển hình nhất của các triệu chứng cơ thể đó là: mất quan tâm hay ham thích trong những hoạt động thường ngày gây thích thú; không có phản ứng cảm xúc với những sự kiện và môi trường xung quanh thường có thể làm cho vui thích; buổi sáng thức giấc trước giờ thường ngày 2 giờ hoặc sớm hơn; trạng thái trầm cảm thường xấu hơn vào buổi sáng; chứng cớ khách quan về sự chậm chạp tâm lý vân động, hoặc kích động (được người khác nhận thấy hoặc kể lại); ăn mất ngon rõ rệt; sút cân (thường quy định là hụt đi 5% hoặc nhiều hơn trọng lượng cơ thể tháng trước); mất dục năng rõ rệt. Thông thường, hội chứng cơ thể này không được xem như có, trừ phi khoảng 4 trong số những triệu chứng trên có chắc chắn.
Các mục giai đoạn trầm cảm nhẹ (F32.0), vừa (F32.1) và nặng (F32.2 và F32.3) được mô tả chi tiết hơn ở dưới đây chỉ được sử dụng cho một giai đoạn trầm cảm đơn độc (đầu tiên).Các giai đoạn tràm cảm có thêm về sau nên phân loại theo một trong các mục nhỏ của rối loan trầm cảm tái diễn (F33…).
Các mức độ trầm trọng này được biệt định để bao trùm nhiều loại trạng thái lâm sàng, gặp ở các thể khác nhau trong thực hành tâm thần học.
Bệnh nhân với các giai đoạn trầm cảm nhẹ thường gặp trong các cơ sở chăm sóc sức khoẻ ban đầu và y tế chung, còn các đơn vị điều trị bệnh nhân tâm thần nội trú thì chữa nhiều hơn những bệnh nhân bị trầm cảm mức độ nặng.
Các hành vi tự huỷ hoại kết hợp với những rối loạn khí sắc (cảm xúc), phổ biến nhất là tự đầu độc bằng thuốc đã được kê đơn, cần được ghi theo mã phụ của chương XX – ICD10 (X60 – X84). Các mã này không đòi hỏi phải phân biệt giữa ý định tự sát và suýt tự sát, bởi vì cả 2 loại này đều nằm trong mục chung về tự huỷ hoại.
Phân biệt giữa các giai đoạn trầm cảm nhẹ, vừa và nặng dựa vào sự phán đoán lâm sàng phức tạp, cần tính đến số lượng , loại và mức độ trầm trọng của triệu chứng hiện có. Phạm vi của các hoạt động xã hội và nghề nghiệp thường là một điểm hướng dẫn chung có ích trong khi xác định các mức độ trầm trọng của giai đoạn trầm cảm nặng; nhưng các ảnh hưởng cá nhân, xã hội, văn hoá làm gián đoạn mối quan hệ mềm mại giữa mức độ trầm trọng của các triệu chứng và hiệu xuất xã hội là đủ phổ biến và mạnh mẽ để làm cho việc đưa hiệu xuất xã hội thành một tiêu chuẩn chủ yêú của mức độ trầm trọng trở nên không thận trọng .
Sự có mặt của mất trí (F00- F03) hoặc châm phát triển tâm thần (F70 – F97) không loại trừ chẩn đoán về một giai đoạn trầm cảm còn có thể điều trị được, nhưng do khó giao tiếp với bệnh nhân, có thể cần phải dựa vào những triệu chứng cơ thể có thể quan sát khách quan để làm chẩn đoán như chậm chạp tâm thần vận động mất ngon miệng, sút cân và rối loạn giấc ngủ.
Bao gồm: Những giai đoạn của phản ứng trầm cảm đơn độc, trầm cảm nặng (không có các triệu chứng loạn thần), trầm cảm tâm sinh hoặc cảm phản ứng (F32.0 , F32.1 hoặc F32.2)
F32.0. giai đoạn trầm cảm nhẹ:
Các ngyên tắc chỉ đạo chẩn đoán.
Khí sắc trầm, mất quan tâm và thích thú tăng mệt mỏi thường được là những triệu chứng điển hình nhất của trầm cảm, và ít nhất phải có hai trong những triệu chứng đó, cộng thêm ít nhất là hai trong số những triệu chứng khác đã được miêu tả ở mục( F32.) để chẩn đoán xác định. Không có triệu chứng nào trong số đó ở mức độ nặng. Thời gian tối thiểu của cả các giai đoạn khoảng 2 tuần.
Bệnh nhân với trầm cảm nhẹ thường buồn chán bởi các triệu chứng đó, khó tiếp tục công việc thường ngày và hoạt động xã hpội, nhưng có khả năng không dừng hoạt động hoàn toàn.
Chữ số thứ 5 có thể được sử dụng để biệt định sự có mặt của hội chứng cơ thể;
F32.00. Không có các triệu chứng cơ thể.
Phải có đủ tiêu chuẩn cho một giai đoạn trầm cảm nhẹ và có ít hoặc không có triệu chúng cơ thể.
F32.01. Có các triệu chứng cơ thể.
Phải có đủ tiêu chuẩn cho một giai đoạn trầm cảm nhẹ và cũng có 4 hoặc nhiều hơn các triệu chứng cơ thể. ( Nếu chỉ có2 hoặc 3 triệu chứng cơ thể, nhưng chúng nặng một cách bất thường, thì sử dụng mục này có thể được chấp nhận).
F32.1. Giai đoạn trầm cảm vừa:
Các nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán.
Có ít nhất trong 3 triệu chứng điển hình nhất đặc chưng cho giai đoạn trầm cảm nhẹ (F32.0), cộng thêm ít nhất 3 (và tốt hơn 4) những triệu chứng khác. Nhiều triệu chứng có thể biểu hiện rõ rệt, nhưng điều này không nhất thiết nếu có rất nhiều loại triệu chứng khác nhau. Thời gian tối thiểu của cả giai đoạn này vào khoảng 2 tuần.
Bệnh nhân với giai đoạn trầm cảm vừa sẽ có nhiều khó khăn để tiếp tục hoạt động xã hội, nghề nghiệp hoặc công việc gia đình.
Chữ số thứ 5 có thể được sử dụng để biệt định sự xuất hiện của các triệu chứng cơ thể.
F32.10 Không có các triệu chứng cơ thể.
Có đầy đủ tiêu chuẩn cho một giai đoạn trầm cảm vừa và có ít triệu chứng cơ thể.
F32.11 Có các triệu chứng cơ thể.
Có đầy đủ ttiêu chuẩn cho một giai đoạn trầm cảm vừa và có 4 hoặc nhiều hơn các triệu chứng cơ thể. (Nếu chỉ có 2 hoặc 3 trệu chứng cơ thể, nhưng chúng trầm trọng khác thường thì việc sử dụng mục này có thể được chấp nhận)
F32.2 Giai đoạn trầm cảm nặng, không có các triệu chứng loạn thần.
Trong giai đoạn trầm cảm nặng, người bệnh tường biểu lộ buồn chán nặng hoặc kích động , trừ khi biểu hiện chậm chạp rõ nét. Mất tự tin hoặc cảm thấy vô dụng hoặc tội lỗi dường như chiếm ưu thế. Tự sát là hành vi nguy hiểm rõ ràng trong những trường hợp đặc biệt trầm trọng. Ở đây thấy rằng hội chứng cơ thể hầu như luôn luôn có mặt trong giai đoan trầm cảm nặng.
Các nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán.
Có 3 trong số những triệu chứng điển hình để khẳng định giai đoạn trầm cảm nhẹ và vừa (F32.0,F32.1), cộng thêm ít nhất 4 triệu chứng khác, và một số phải đặc biệt nặng. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng quan trọng như kích động hoặc chậm chạp rõ nét bệnh nhân có thể không muốn hoặc không thể mô tả nhiều triệu chứng một cách chi tiết. Trong những trường hợp như vậy, việc phân loại toàn bộ một giai đoạn trầm trọng có thể vẫn còn được chấp nhận. giai đoạn trầm cảm thường kéo dài ít nhất 2 tuần, nhưng nếu các triệu chứng đặc biệt nặng và khởi phát rất nhanh thì có thể làm chẩn đoán này trước 2 tuần.
Trong giai đoạn trầm cảm nặng, người bệnh có thể ít khả năng tiếp tục được công việc xã hội, nghề nghiệp hoặc công việc gia đình, trừ phi ở phạm vi rất hạn chế.
Mục này chỉ được sử dụng cho các giai đoạn trầm cảm nặng đơn độc không có các triệu chứng loạn thần kèm theo, còn các giai đoạn về sau phải sử dụng mục rối loạn trầm cảm tái diễn (F33.).
Bao gồm :
Các giai đoạn đơn độc của trầm cảm kích động sầu uất hoặc trầm cảm sinh thể không có các triệu chứng loạn thần.
F32.3. Giai đoạn trầm cảm nặng kèm theo các triệu chứng loạn thần.
Các nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán.
Một giai đoạn trầm cảm nặng thoả mãn các tiêu chuẩn đã nêu ra trong mục F32.2 ở trên và trong đó có các hoang tưởng, ảo giác hoặc sững sờ trầm cảm. Các hoang tưởng thường bao gồm những ý tưởng tội lỗi, thấp hèn, hoặc những tai hoạ sắp sảy ra, trách nhiệm bệnh nhân phải gánh chịu. Những ảo thanh hoặc ảo khứu thường là: giọng kết tội hoặc phỉ báng hoặc mùi rác mục hoặc mùi thịt thối rữa.
Sự chậm chạp tâm thần vận động nặng có thể dẫn đến sững sờ. Nếu cần, hoang tưởng hoặc ảo giác có thể được phân rõ là phù hợp hoặc không phù hợp với rối loạn khí sắc(xem mục F30.2).
Chẩn đoán phân biệt: Sững sờ trầm cảm phải được phân biệt với tâm thần phân liệt căng trương lực (F20.2) với sững sờ phân ly (F44.2) và với dạng sững sờ thực tổn. Mục này chỉ được sử dụng cho những giai đoạn rối loạn đơn độc trầm cảm nặng có kèm theo các triêụ chứng loạn thần: cho những giai đoạn về sau phải sử dụng mục rối loạn trầm cảm tái diễn (F33.)
Bao gồm: Các giai đoạn đơn độc trầm cảm nặng có các triệu chứng loạn thần trầm cảm tâm sinh, loạn thần trầm cảm phản ứng.
F32.8 Các giai đoạn trầm cảm khác:
Chỉ gộp vào đây những giai đoạn không phù hợp với sự mô tả dành cho giai đoạn trầm cảm từ mục F32.0 – F32.3, nhưng một ấn tượng chẩn đoán chung đã chỉ ra chúng là trầm cảm thực thụ. Thí dụ như sự pha trộn luôn luôn thay đổi các triệu chứng trầm cảm (đặc biệt các dạng cơ thể) với những triệu chứng không có giá trị chẩn đoán như căng thẳng, lo lắng buồn chán và hỗn hợp các triệu chứng trầm cảm (đặc biệt các dạng cơ thể) với những triệu chứng không có giá trị chẩn đoán như căng thẳng, lo lắng buồn chán và hỗn hợp các triệu chứng trầm cảm cơ thể với đau đớn hoặc mệt nhọc dai dẳng không do nguyên nhân thực tổn (đôi khi gặp ở bệnh nhân đa khoa).
Bao gồm: Trầm cảm không điển hình.
Các giai đoạn đơn độc của trầm cảm “ẩn” không biệt định cách khác.
F32.9 giai đoạn trầm cảm không biệt định.
Bao gồm: Trầm cảm không biệt định cách khác.
Rối loạn trầm cảm không biệt định cách khác.
F33 Rối loạn trầm cảm tái diễn:
Rối loạn đặc chưng bởi lặp đi lặp lại những giai đoan trầm cảm đã được biệt định như giai đoạn trầm cảm nhẹ (F32.0), vừa (F31.1), hoặc nặng (F32.2 và F32.3), không hề kèm theo trong bệnh sử những giai đoạn độc lập tăng khí sắc và tăng hoạt động, có đủ tiêu chuẩn của một cơn hưng cảm (F30.1 và F30.2). Tuy nhiên mục này vẫn được sử dụng nếu có những giai đoạn ngắn tăng hoạt động, tăng khí sắc nhẹ đủ tiêu chuẩn của một cơn hưng cảm nhẹ (F30.0) xảy ra ngay sau một giai đoạn trầm cảm (đôi khi gây nên bởi điều trị trầm cảm). Tuổi khởi phát bệnh, mức độ trầm trọng, thời gian kéo dài và tần số các giai đoạn trầm cảm rất khác nhau. Nhìn chung, giai đoạn đầu xảy ra muộn hơn so với rối loạn cảm xúc lưỡng cực, trung bình phát bệnh vào tuổi 50. Tuỳ cá nhân, các giai đoạn cũng có thể kéo dài 3- 12 tháng (trung bình khoảng 6 tháng) nhưng tái phát ít thường xuyên hơn. Thường có sự phục hồi hoàn toàn giữa các giai đoạn, nhưng một số ít bệnh nhân có thể phát triển thành trầm cảmdai dẳng, chủ yếu ở người già(đối với số người đó mục này vẫn phải sử dụng ). Tuỳ cá nhân, các giai đoạn ở bất cứ mức độ nào, cũng thường bị thúc đẩy bởi các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống; trong nhiều nền văn hoá, cả các giai đoạn riêng biệt, lẫn trầm cảm kéo dài, ở nữ gặp nhiều hơn nam 2 lần.
Nguy cơ ở một bệnh nhân có rối loạn trầm cảm tái diễn, sẽ có một giai đoạn hưng cảm không bao giờ mất hoàn toàn, tuy bệnh nhân đã trải qua giai đoạn trầm cảm. Nếu có một giai đoạn hưng cảm xuất hiện thì chẩn đoán phải chuyển sang mục rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
Giai đoạn trầm cảm tái diễn có thể chia nhỏ như dưới đây bằng cách trước tiên định rõ giai đoạn hiện hành là loại nào và (nếu sẵn có đủ thông tin) loại chiếm ưu thế trong tất cả các giai đoạn.
Bao gồm: Các giai đoạn tái diễn của phản ứng trầm cảm, trầm cảm tâm sinh, trầm cảm phản ứng, rối loạn cảm xúc theo mùa (F33.0 hoặc F33.1).
Các giai đoạn tái diễn của trầm cảm nội sinh, trầm cảm nặng, loạn thần hưng trầm cảm (pha trầm cảm), loạn thần trầm cảm phản ứng hoặc tâm sinh, trầm cảm loạn thần, trầm cảm sinh thể (F33.2 hoặc F33.3).
Loại trừ: Các giai đoạn trầm cảm ngắn tái diễn (F38.1).
F33.0 Rối loạn trầm cảm tái diễn, hiện tại giai đoạn nhẹ.
Các nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán.
Để chẩn đoán xác định:
- a) Phải có đủ tiêu chuẩn cho một rối loạn trầm cảm tái diễn (F33.-)và giai đoạn hiện nay phải có đủ tiêu chuẩn cho một giai đoạn trầm cảm nhẹ (f32.0).
- b) ít nhất 2 giai đoạn kéo dài tối thiểu 2 tuần lễ và phải cách nhau nhiều tháng không có rối loạn khí sắc đáng kể. Nếu không, chẩn đoán phải là rối loạn khí sắc (cảm xúc) tái diễn khác (F38.1).
Chữ số thứ 5 có thể sử dụng để biệt định sự có mặt của các triệu chứng cơ thể trong giai đoạn hiện nay:
F33.00 Không có các triệu chứng cơ thể (xem mục F32.00).
F33.01 Có các triệu chứng cơ thể (xem F32.01).
Nếu cần, có thể biệt định 1 loại chiếm ưu thế trong các giai đoạn trước đây ( loại nhẹ, vừa, nặng, không rõ).
F33.1 Rối loạn trầm cảm tái diễn, hiện tại giai đoạn vừa.
Các nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán.
Để chẩn đoán xác định:
- a) Phải có đủ tiêu chuẩn cho một rối loạn trầm cảm tái diễn (F33.-) và giai đoạn hiện nay phải có đủ tiêu chuẩn cho một giai đoạn trầm cảm mức độ vừa (F32.1); và
- b) ít nhất hai giai đoạn phải kéo dài tối thiểu 2 tuần và phải cách nhau nhiều tháng không có rối loạn khí sắc đáng kể.
Nếu không, chẩn đoán phải để ở mục rối loạn khí sắc (cảm xúc) tái diễn khác (F38.1).
Chữ số thứ 5 có thể sử dụng biệt định sự có mặt của các triệu chứng cơ thể trong giai đoạn hiện tại:
F33.10 Không có các triệu chứng cơ thể (xem F32.10).
F33.11 Có các triệu chứng cơ thể ( xem F32.11).
Nếu cần, có thể phân định một thể loại ưu thế trong các giai đoạn trước loại nhẹ, vừa, nặng, không rõ).
F33.2 Rối loạn trầm cảm tái diễn, hiện tại giai đoạn nặng không có các triệu chứng loạn thần.
Các nguyên tắc chỉ đạo chẩn đạo chẩn đoán.
Để chẩn đoán xác định:
- a) Phải có đủ tiêu chuẩn cho một rối loạn trầm cảm tái diễn (F32.) và giai đoạn hiện tại phải có đủ tiêu chuẩn cho một giai đoạn trầm cảm nặng không kèm theo các triệu chứng loạn thần ( F32.2).
- b) ít nhất 2 giai đoạn phải kéo dài tối thiểu 2 tuần lễ và phải cách nhau nhiều tháng không có rôí loạn khí sắc đáng kể.Nếu không chẩn đoán phải đặt ở mục rối loạn khí sắc ( cảm xúc) tái diễn khác (F38.1).
Nếu cần, có thể biệt định rõ một thể loại ưu thế trong các giai đoạn trước (loại nhẹ, vừa, nặng, không rõ).
F33.3 Rối loạn trầm cảm tái diễn, hiện tại giai đoạn nặng có các triệu chứng loạn thần.
Các nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán:
Để chẩn đoán xác định:
- a) Phải có đủ tiêu chuẩn cho một rối loạn trầm cảm tái diễn ( F33 ). trước đây, nhưng trạng thái hiện nay phải không đủ tiêu chuẩn cho một giai đoạn trầm cảm ở bất kỳ mức độ nào hoậc bất kỳ một rối loạn khí sắc đáng kể. Nếu không chẩn đoán phải đặt ở mục rối loạn khí sắc (cảm xúc) tái diễn khác (F38.1).
Mục này còn có thể được sử dụng nếu bệnh nhân đang tiếp nhận điều trị để làm giảm nguy cơ bị các giai đoạn rối loạn về sau.
F33.8 Các rối loạn trầm cảm tái diễn khác.
F33.9 Rối loạn trầm cảm tái diễn, không biệt định.
- NGUYÊN NHÂN:
– Trầm cảm do sang chấn tâm lí mạnh (xốc xúc cảm), hoặc căng thẳng tâm lí (Stress) không mạnh nhưng kéo dài. Đây là yếu tố hay gặp nhất. Nhân tố tâm lí quan trọng nhất đến mức tạo thành cơ sở tách ra một thể bệnh riêng gọi là “trầm cảm phản ứng” sốc xúc cảm quá vui hoặc quá sung sướngcó thể gây ra các cơn trầm cảm.
– Các nhân tố tâm lí – xã hội, các trường hợp con người khó thích nghi với môi trường khác lạ, hoàn cảnh sống cô đơn, sống biệt lập với người thân.
– Các nhân tố nội sinh (trong các bệnh loạn thần hưng trầm cảm, Tâm thần phân liệt, trầm cảm thoái triển.vv…) đều có thể gây hiện tượng trầm cảm.
– Thể tạng, loại hình sinh học “kiểu người mập mạp”, có liên quan đến trầm cảm chu kỳ.
– Yếu tố di truyền có tác động lớn trong một số thể trầm cảm .
– Trầm cảm là triệu chứng của nhiều bệnh ở não (nhiễm khuẩn sọ não, liệt toàn thể tiến triển PGP, chấn thương sọ não, sơ vữa động mạch não,v.v..).ở các bệnh toàn thân làm thay đổi sinh lý hay làm suy nhược cơ thể (lao, ung thư, bệnh về máu, rối loạn nội tiết, nhiễm độc, tự nhiễm độc.v.v…) và một số trường hợp không rõ nguyên nhân.
- CHẨN ĐOÁN CÁC LOẠI TRẦM CẢM :
Cần khai thác đầy đủ lý lịch bệnh nhân, tiền sử gia đình và bản thân; các yếu tố sang chấn tâm lí, các giai đoạn mắc bệnh trước kia và hiện nay. Đồng thời phải thăm khám toàn diện, phát hiện các bệnh lý thực tổn.
5.1 Với trầm cảm nội sinh: chú ý các triệu chứng sinh thể (nặng nề, u uất), khí sắc dao động trong ngày, có cảm giác mất tình cảm, đau khổ. Bệnh nhân đánh giá một cách lệch lạc và cường điệu quá khứ, hiện tại và tương lai của mình. Các đề tài hoang tưởng có tính chất li tâm (do mình gây ra) và mở rộng (người thân, đồng nghiệp cũng phải chịu thiệt hại, đau khổ).
5.2 Với trầm cảm tâm sinh: tìm hiểu kĩ nguyên nhân liên quan tới sang chấn tâm lí; tình huống gây sang chấn được phản ánh trên bệnh cảnh trầm cảm phản ứng, ức chế biểu hiện khu trú.
Ý tưởng tự sát của bệnh nhân hiếm và ít nguy kịch . Bệnh nhân có nhân cách yếu , có tiền sử bệnh tâm căn. Cần chú ý rằng sang chấn tâm lí có thể kịch phát cơn trầm cảm nội sinh.
5.3 Với trầm cảm ẩn: thường khó chẩn đoán, phát hiện chậm từ 1-5 năm . Cần phân biệt với các bệnh cơ thể. Đặc điểm trầm cảm ẩn là không có sự cân xứng giữa triệu chứng của một bệnh cơ thể và toàn trạng (Ví dụ cảm giác nặng nề vùng thượng vị nhưng nghỉ ngơi cũng không đỡ); Lời nói của bệnh nhân có mầu sắc bi quan về bệnh tật của mình; triệu chứng bệnh có thể xuất hiện theo cơn chu kỳ tiến triển mãn tính; bệnh nhân cảm thấy toàn cơ thể bị biến đổi chứ không phải một bộ phân; bệnh nhân có khái niệm về cơn trầm cảm trước. Điều trị triệu chứng bệnh cơ thể không có kết qủa.
5.4 Với trầm cảm triệu chứng của các bệnh cơ thể: thì trầm cảm có thể kèm theo rối loạn ý thức (rối loạn định hướng thời gian, không gian, mê sảng lú lẫn,v.v…), rối loạn trí nhớ, kích động kiểu động kinh (cơn kịch phát bất thần) suy kiệt. Các triệu chứng thường tăng lên về đêm.
5.5. Rối loạn trầm cảm tái diễn: biểu hiện giống như loại trầm cảm nặng và nhẹ nêu trên nhưng không xuất hiện đơn độc mà tái diễn nhiều đợt trong đời người. Giai đoạn trầm cảm kéo dài từ 3-12 tháng (trung bình 6 tháng). Bệnh khởi phát muộn, thường ở lứa tuổi 50. Phần lớn phục hồi hoàn toàn. Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ gấp đôi nam.
Loại trầm cảm nặng, tái diễn gần giống như các bệnh trước kia gọi là trầm cảm, trầm uất, loạn thần hưng trầm cảm, trầm cảm sinh thể, trầm cảm nội sinh. Trong đời, ít nhất phải có 2 giai đoạn trầm cảm (nặng hay nhẹ) tái diễn; mỗi giai đoạn phải kéo dài trên 2 tuần lễ, giữa 2 giai đoạn trầm cảm phải có một thời kỳ lành bệnh ít nhất 6 tháng.
5.6 Rối loạn trầm cảm mức độ nhẹ liên tục biểu hiện, đơn độc nhưng kéo dài, có khi gần suốt tuổi thành niên, gây đau buồn và trở ngại cho lao động, học tập của người bệnh. Có thể nặng lên và tiến triển như rối loạn trầm cảm tái diễn hay xen với các giai đoạn hưng cảm. Nếu các giai đoạn trầm cảm và hưng cảm nhẹ xen nhau thì gọi là khí sắc tuần hoàn; nếu mức độ khí sắc trầm, nhẹ, kéo dài thì gọi là loạn khí sắc.
5.7 Rối loạn trầm cảm di chứng của các rối loạn khí sắc trầm cảm biểu hiện đơn độc hoặc tái diễn nhưng mức độ nhẹ và không kéo dài gồm các trạng thái hỗn hợp trầm cảm và hưng cảm, trầm cảm ẩn, rối loạn xúc cảm khác không liên quan đến nghiện rượu, nghiện ma tuý, rối loạn nội tiết hay rối loạn tâm thần thực tổn.
5.8 Rối loạn phân liệt cảm xúc, loại trầm cảm biểu hiện các triệu chứng phân liệt và triệu chứng cảm xúc xuất hiện đồng thời và nổi bật như nhau (thể trầm cảm xuất hiện sau cơn loạn thần cấp của bệnh tâm thần phân liệt không xếp ở mục nào).
Các triệu chứng trầm cảm biểu hiện như đã mô tả ở trên. Các triệu chứng phân liệt biểu hiện bệnh nhân cảm thấy ý nghĩ của mình vang thành tiếng nói trong đầu, bị các lực lượng xa lạ nào đó điều khiển, mưu hại, nghe thấy những tiếng nói gièm pha, buộc tội mà thực tế không có, vv… Phần lớn bệnh nhân phục hồi hoàn toàn sau điều trị, một số ít trường hợp tiến triển thành thiếu sót phân liệt ( thờ ơ với ngoại cảnh, hành vi kỳ dị…vv).
- ĐIỀU TRỊ:
5.1. Nguyên tắc chung:
– Phát hiện sớm các rối loạn trầm cảm.
– Xác định nguyên nhân: Nội sinh, phản ứng tâm lý hay thực tổn.
– Điều trị sớm: Chọn một loại thuốc chống trầm cảm liều lượng thích hợp tăng dần với từng trường hợp. Sau 2 tuần thuốc sẽ có tác dụng.
– Thay đổi thuốc khác nếu sau 2 tuần đến 1 tháng, bệnh không tiến triển.
-Thời gian điều trị 2 tháng. Cần được duy trì củng cố 4 tháng tiếp theo, có trường hợp có thể hơn.
– Kết hợp với thuốc ATK nếu có biểu hiện loạn thần (hoang tưởng, ý tưởng chán sống v.v..).
– Kết hợp với thuốc bình thản nếu trầm cảm có lo âu kèm theo.
– Tránh dùng IMAO vì dễ tái phát bệnh và gây biến chứng.
– Trường hợp trầm cảm nặng có thể dùng E.C. (Electroshock) kết hợp với thuốc chống trầm cảm.
– Trong thời gian điều trị không được dùng rượu, bia, nước uống có cồn.
5.2. Các liệu pháp tâm lý kết hợp:
– Liệu pháp tâm lý: thư giãn luyện tập (Relaxation- therapy) làm giảm lo âu, giảm lo sợ bằng cách giảm trương lực cơ. Đây là liệu pháp do Schultz (Đức) đề xuất năm 1926 và được cải biên ở nhiều nước khác nhau do nền văn hoá, trình độ dân trí. Ở việt nam GS Nguyễn Việt áp dụng phương pháp thư giãn – luyện tập, phù hợp với tâm sinh lý của người việt nam.
– Liệu pháp hành vi nhân thức (Cognitive – Behaviour Therapies): dựa trên nguyên lý tập nhiễm đến sự gia tăng tần xuất của những hành vi thoả đáng và hoặc giảm tần xuất những ứng xử mang tính không thích nghi. Liệu pháp này để sửa chữa tích cực những ứng xử bất thường: lo sợ, trầm cảm, nghiện ma tuý, tấn công và hành vi tội phạm.
– Liệu pháp tâm lý nhóm.
– Liệu pháp tâm lý nâng đỡ.
5.3. Một số thuốc chống trầm cảm hiện đang sử dụng:
5.3.1. Các thuốc chống trầm cảm 3 và 4 vòng:
– Imipramine (Tofranil) 25 mg viên: thường dùng 75 mg/ ngày liều khởi đầu, có thể nâng liều 150 mg/ ngày vào tuần thứ hai, 225 mg/ ngày vào tuần thứ ba và 300 mg/ ngày vào tuần thứ tư. Chia thuốc uống 2 – 3 lần vào buổi sáng và chiều để giảm triệu chứng phụ. Không nên dùng vào buổi tối liều trung bình 50 – 100 mg/ ngày.
– Amitriptyline (Laroxyl, Elavil…) 25 mg viên. Có thể dùng liều như Tofranil nhưng dùng vào buổi tối trước khi đi ngủ. Chia 2 lần trong ngày. Liều trung bình 25 – 100 mg/ ngày.
– Desipramine (Norpramin, Pertofrane) 25 mg viên.
Liều trung bình: 100 – 150 mg/ ngày đường uống.
25 – 50 mg/ ngày đường tiêm bắp.
– Nortriptyline (Pamelor, Northilen) 50 mg viên.
Liều trung bình 100 mg/ ngày.
– Clomipramine (Anafranil) 25 mg viên.
Liều trung bình 50 – 100 mg/ ngày.
– Amoxapine (Asdin) thuốc 4 vòng 50 mg viên. Khởi đầu 150 mg/ ngày và tăng đến 400 mg/ ngày, chia 2 – 3 lần.
Liều trung bình 150 mg/ ngày.
5.3.2 Các thuốc ức chế men Momamine oxidase (IMAO).
– Marplan 10 – 30 mg/ ngày.
– Niamide 50 – 150 mg/ ngày.
Hiện nay ít được xử dụng vì gây nhiều tác dụng phụ.
5.3.3. Các thuốc chống trầm cảm thế hệ mới. Năm 1989 được đưa vào sử dụng các loại thuốc ức chế đặc hiệu tái hấp thu Serotomin (SSRI = Serotnin – Specifec Reuptake Inhibitors).
– Fluoxetine (Prozac) 20 mg viên.
Liều từ 20 đến 60 mg/ ngày.
– Paraxetine (Paxil) 20 mg viên.
Liều dùng: 20 – 40 mg/ ngày.
– Sertraline (Zoloft) 50 mg viên.
Liều 50 – 100 mg/ ngày, uống một liều.
– Tianeptine (Stablon) 12,5 mg viên.
Thuốc làm tăng hoạt động tái hấp thu ở tế bào hình tháp của hồi hải mã (hippocampe) và làm tăng sự hồi phục sau khi bị ức chế cơ năng.
Cơ chế tác dụng của Tianeptine;
- Tăng tái bắt giữ Serotonine chọn lọc ở tiền Synap.
- Giảm đáp ứng trục Hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận.
- Tác động vào vỏ não, hồi hải mã, làm tăng hồi phục các tế bào hồi hải mã.
- Tác động lên chất truyền tin thứ 2 trong hệ thống thông tin tế bào.
Tác dụng của Tianeptine;
- Chống trầm cảm mạnh mẽ.
- Giải lo âu và không gây buồn ngủ.
- Điều trị nhiều loại trầm cảm (phổ tác dụng rộng).
Liều dùng; Stablon 12,5 mg . 3 viên ngày chia 3 lần uống.
Thời gian điều trị từ 6 tháng đến 1 năm để tránh tái phát, tái diễn.
5.3.4. Cách điều trị khác.
– E.C (Electroshock) choáng điện; 7 – 14 lần một đợt điều trị, cứ 2 ngày 1 lần E.C.
– Lithium.
Khởi đầu 300 mg 3 lần/ ngày. Liều thường dùng 900 – 2100 mg/ ngày chia 3 lần.
Khi dùngphải kiểm tra uốngđộ Lithium trong máu hàng tuần. Thuốc dễ gây ngộ độc nên cần phải thận trọng khi sử dụng.