BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT

  1. ĐỊNH NGHĨA

Tâm thần phân liệt (Schizophrenia) là một bệnh tâm thần nặng, có tính chất mãn tính và hay tái phát. Các rối loạn phân liệt có đặc điểm chung là sự rối loạn cơ bản và đặc trưng về tư duy và tri giác và cảm xúc không thích hợp hay cùn mòn. Ý thức còn rõ ràng và năng lực trí tuệ thường được duy trì. Rối loạn đụng chạm đến các chức năng cơ bản nhất, những chức năng làm cho một người bình thường có cảm giác về cá tính, tính độc đáo và tính tự điều khiển mình. Những ý nghĩ, cảm giác, hành vi sâu kín nhất thường được cảm thấy như bị những người khác biết hay lấy bớt và các hoang tưởng suy đoán có thể phát triển với ấn tượng là có những sức mạnh tự nhiên hay siêu nhiên đang hoạt động để ảnh hưởng đến ý nghĩ và hành động của bệnh nhân bằng những phương tiện thường là kỳ lạ. Họ có thể tự thấy mình là trung tâm của tất cả những gì đang xảy ra. Các ảo giác, đặc biệt là ảo thanh, thường gặp và có thể bình phẩm hành vi hay ý nghĩ của đối tượng. Tri giác thường bị rối loạn theo những cách khác nhau: màu sắc hay âm thanh có vẻ rực rỡ hay ồn ào quá mức hoặc biến đổi về tính chất và các nét thứ yếu của các sự vật thông thường có vẻ quan trọng hơn toàn bộ đối tượng hay hoàn cảnh. Sự bàng hoàng cũng thường thấy lúc ban đầu và thường làm cho bệnh nhân tin rằng các hoàn cảnh trong đời sống hàng ngày có một ý nghĩa đặc biệt thường mang lại tai họa và nhằm duy nhất vào bệnh nhân. Trong rối loạn tư duy đặc trưng cho bệnh tâm thần phân liệt, các nét ngoài rìa và thứ yếu của một khái niệm toàn bộ – trong hoạt động tâm thần bình thường bị ức chế – lại được đưa lên hàng đầu và thay thế những nét quan trọng và thích hợp với hoàn cảnh. Do vậy tư duy trở nên mơ hồ, giản lược và mờ tối và biểu hiện qua lời nói đôi khi khó hiểu. Thường gặp hiện tượng tư duy gián đoạn và tự ý thêm từ trong quá trình tư duy và tư duy có vẻ như bị một lực lượng bên ngoài thu hút. Nét đặc trưng cảm xúc là nông cạn, thất thường hay không thích hợp. Tính hai chiều và rối loạn ý chí có thể biếu hiện bằng tình ý, tính phủ định hay sững sờ, có thể có căng trương lực. Có thể khởi đầu cấp với tác phong rối loạn trầm trọng hoặc khởi đầu âm ỉ với các ý nghĩ hành vi kỳ dị phát triển từ từ.

Theo tài liệu của Tổ chức y tế thế giới, khả năng bị tâm thần phân liệt trong nhân dân nhiều nước là 1%, bất kỳ ai cũng đều có thể mắc chứng bệnh này. Tuy nhiên, khuynh hướng khởi phát ở thời kỳ trưởng thành trẻ tuổi, cực kỳ hiếm thấy trước thời kỳ dậy thì. Hai giới bị bệnh gần như bằng nhau nhưng ở nữ giới có khuynh hướng khởi đầu chậm hơn. Trong một số trường hợp, bệnh kết thúc bằng khỏi hoàn toàn hay gần như hoàn toàn.

  1. NGUYÊN NHÂN

Cho đến nay, trong tâm thần học còn tồn tại các quan điểm, học thuyết khác nhau về nguyên nhân bệnh tâm thần phân liệt. Theo Andreasen N.C (1999), Bệnh tâm thần phân liệt do nhiều yếu tố gây nên như: di truyền, những bất thường về gen, thay đổi cấu trúc não, biến đổi sinh hóa não, môi trường sống, nhiễm virus. Hiện nay hai lĩnh vực được tập trung nghiên cứu nhiều nhất đó là: bất thường về gen và những bất thường về chất dẫn truyền thần kinh. Nhiều nghiên cứu cho tỷ lệ mắc bệnh tâm thần phân liệt ở những người thuộc thế hệ thứ 1 (bố, mẹ, anh chị em ruột) xấp xỉ 10% so với những người thuộc thế hệ thứ 2 (cô, dì, chú, bác) và so với 1% ở dân số nói chung. Nghiên  cứu về những cặp sinh đôi cho thấy nếu một người mắc bệnh thì nguy cơ mắc bệnh người còn lại ở cặp sinh đôi khác trứng (dizygotic) tương tự như anh, chị em trong gia đình; nhưng nếu là sinh đôi cùng trứng (monozygotic) tỷ lệ này là 50%. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt xuất hiện trong những gia đình không hề có tiền sử về bệnh này. Một số nghiên cứu chứng minh bệnh tâm thần phân liệt liên quan tới rối loạn chuyển hóa Dopamine và hệ thống Dopaminergic. Dopamine tăng trong giai đoạn bệnh cấp tính và giảm khi bệnh ổn định.

  1. CHẨN ĐOÁN

3.1. Vài nét về triệu chứng bệnh

Các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt vô cùng phong phú, đa dạng và phức tạp, nhưng đa số các tác giả đều thống nhất chia làm 2 loại triệu chứng chính đó là các triệu chứng âm tính và các triệu chứng dương tính. Các triệu chứng âm tính thể hiện sự tiêu hao, mất mát các hoạt động tâm thần sẵn có, sự mất tính chất toàn vẹn, thống nhất của các hoạt động tâm thần. Các triệu chứng dương tính xuất hiện trong quá trình bị bệnh, chúng rất phong phú và luôn biến đổi, xuất hiện nhất thời rồi mất đi hay được thay thế bằng các triệu chứng dương tính khác. Các triệu chứng thường kết hợp với nhau thành những hội chứng, tiến triển theo nhưng quy luật nhất định, và hình thành những thể lâm sàng riêng biệt. Các triệu chứng đều biểu hiện hai tính chất chung của quá trình phân liệt:

– Tính thiếu hòa hợp và tính tự kỷ. Tính thiếu hòa hợp thể hiện trong tất cả các mặt hoạt động tâm thần như tính hai chiều trái ngược, tính dị kỳ khó hiểu, tính khó thâm nhập, tính phủ định, tính tự động… Tính tự kỷ biểu hiện bằng những hiện tượng: tách rời thực tại, chia cắt với thế giới bên ngoài, quay về cuộc sống bên trong. Chủ yếu trong tính tự kỷ là tính khó thâm nhập, tính dị kỳ, khó hiểu.

– Sự giảm sút thể năng tâm thần biểu hiển: cảm xúc ngày càng khô lạnh để đi đến chỗ bàng quang, vô cảm xúc; tư duy ngày càng nghèo nàn, học tập và công tác ngày càng kém sút, thói quen về nghề nghiệp cũ tan biến dần; ý chí ngày càng suy đồi đi đến chỗ không thiết làm gì nữa, cả vệ sinh thân thể cũng không chú ý đến.

3.2. Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt theo ICD10-1992

Hiện nay, việc chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt dựa vào triệu chứng lâm sàng là chính, chưa có một xét nghiệm cận lâm sàng nào giúp chẩn đoán xác định bệnh. Vì vậy, việc chẩn đoán bệnh còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của thầy thuốc, vào các trường phái, khuynh hướng của tâm thần học. Để thống nhất và nhằm mục đích thực tiễn, chúng tôi đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt theo Bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD10-1992).

3.2.1.Các nhóm triệu chứng

  1. a) Tư duy vang thành tiếng, tư duy bị áp đặt hay bị đánh cắp và tư duy bị phát thanh.
  2. b) Các hoang tưởng bị kiểm tra, bị chi phối hay bị động, có liên quan rõ rệt với vận động thân thể hay các chị hoặc có liên quan với những ý nghĩ, hành vi hay cảm giác đặc biệt; tri giác hoang tưởng.
  3. c) Các ảo thanh bình luận thường xuyên về hành vi của bệnh nhân hay thảo luận với nhau về bệnh nhân hoặc các loại ảo thanh khác xuất phát từ một bộ phận nào đó của thân thể.
  4. d) Các loại hoang tưởng dai dẳng khác không thích hợp về mặt văn hóa và hoàn toàn không thể có được như tính đồng nhất về tôn giáo hay chính trị hoặc những khả năng và quyền lực siêu nhân ( thí dụ : có khả năng điều khiển thời tiết, hoặc đang tiếp xúc với nhưng người của thế giới khác.).

e)Ảo giác dai dẳng bất cứ loại nào, có khi kèm theo hoang tưởng thoáng qua hay chưa hoàn chỉnh, không có nội dung cảm xúc rõ ràng hoặc kèm theo ý tưởng quá dai dẳng hoặc xuất hiện hàng ngày trong nhiều tuần hay nhiều tháng.

f)Tư duy gián đoạn hay thêm từ khi nói, đưa đến tư duy không liên quan hay lời nói không thích hợp hay ngôn ngữ bịa đặt.

g)Tác phong căng trương lực như : kích động, giữ nguyên dáng hay uốn sáp, phủ định, không nói, hay sững sờ…

h)Các triệu chứng âm tính như vô cảm rõ rệt, ngôn ngữ nghèo nàn, các đáp ứng cảm xúc cùn mòn hay không thích hợp thường đưa đến cách ly xã hội; phải rõ ràng là các triệu chứng trên không do trầm cảm hay uống thuốc thần kinh gây ra.

  1. i) Biến đổi thường xuyên và có ý nghĩa về chất lượng toàn diện của tập tính cá nhân biểu hiện như mất thích thú, thiếu mục đích, lười nhác, thái độ mê mải suy nghĩ về bản thân và cách ly xã hội.

3.2.2. Nguyên tắc chẩn đoán

Yêu cầu chẩn đoán bệnh nhân tâm thần phân liệt là ít nhất phải có một triệu chứng rất rõ (nếu ít rõ phải có hai triệu chứng hay nhiều hơn nữa) thuộc vào một trong các nhóm liệt kê từ (a) đến (d) ở trên hoặc các triệu chứng thuộc vào ít nhất là hai trong các nhóm liệt kê từ (e) đến (h). Các triệu chứng ở trên phải tồn tại rõ ràng trong phần lớn khoảng thời gian một thánh hay lâu hơn.Không được chuẩn đoán là tâm thần phân liệt nếu có các triệu chứng trầm cảm hay hưng cảm mở rộng trừ khi đã rõ là các triệu chứng phân liệt xuất hiện trước các rối loạn cảm xúc. Không chuẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt khi có bệnh não rõ rệt hoặc bệnh nhân đang ở trong trạng thái nhiễm độc ma túy. Các rối loạn tương tự phát triển trong khi có bệnh động kinh hay bệnh não khác.

3.2.3. Các thể lâm sàng bệnh tâm thần phân liệt

F20.0 Tâm thần phân liệt thể Paranoid

Đây là thể bệnh tâm thần phân liệt thường gặp nhất. Chiếm ưu thế trong bệnh cảnh thường là các hoang tưởng tương đối ổn định, thường có ảo giác kèm theo, đặc biệt loại ảo giác thính giác và rối loạn tri giác. Các rối loạn về cảm xúc, ý chí, ngôn ngữ và các triệu chứng căng trương lực không nổi bật. Thời gian khởi đầu có khuynh hướng chậm hơn các thể thanh xuân và căng trương lực.

F20.1 Tâm thần phân liệt thể thanh xuân

Một thể tâm thần phân liệt trong đó các biến đổi cảm xúc nổi bật lên, các hoang tưởng và ảo giác thoáng qua và rời rạc, tác phong trách nhiệm và không lường trước được, thường có tính điệu bộ. Cảm xúc hời hợt, không thích hợp và thường kèm theo cười khúc khích hay tự mãn, mỉm cười một mình hoặc kiểu cách, cau có, điệu bộ chơi khăm,… có khuynh hướng sống cô độc. Khởi phát sớm thường ở lứa tuổi 15 và 25 và có khuynh hướng tiên lượng xấu, do các triệu chứng âm tính tiến triển nhanh, đặc biệt cảm xúc cùn mòn và mất ý chí.

F20.2  Tâm thần phân liệt thể căng trương lực

Các rối loạn tâm lý vận động nổi bật lên là nét chủ yếu và chiếm ưu thế và các cực của rối loạn có thể thay nhau như tăng động và sững sờ, hoặc vâng lời tự động và phủ định. Các hiện tượng căng trương lực này có thể kết hợp với một trạng thái giống mộng( mê mộng) với những hoạt cảnh ảo giác sinh động.

F20.3  Tâm thần phân liệt thể không biệt định

Tâm thần này bao gồm các trạng thái đáp ứng các tiêu chuẩn chung cho chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt, nhưng không tương ứng với bất cứ thể nào đã mô tả ở trên, hoặc biểu hiện đồng thời những tiêu chuẩn của nhiều thể mà không có một nhóm các nét đặc trưng cho chẩn đoán nào chiếm ưu thế rõ rệt.

F20.4  Tâm thần phân liệt thể trầm cảm sau phân liệt

Một giai đoạn các triệu chứng trầm cảm nổi bật, có thể kéo dài, xuất hiện như hậu quả của một bệnh tâm thần phân liệt. Một số triệu chứng phân liệt vẫn còn phải tồn tại nhưng không còn chiếm ưu thế trong bệnh cảnh. Các triệu chứng phân liệt kéo dài có thể là “dương tinh” hay “ âm tính ” mặc dù các triệu chứng âm tính thường gặp hơn.

F20.5  Tâm thần phân liệt thể di chứng

Một giai đoạn mạn tính trong tiến triển của bệnh tâm thần phân liệt, trong đó có sự tăng tiến rõ rệt từ một giai đoạn sớm đáp ứng tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt đến một giai đoạn muộn hơn với những triệu chứng âm tính nổi bật và kéo dài. Một thời kỳ ít nhất một năm trong đó các rối loạn tâm thần còn tối thiểu.

F20.6  Tâm thần phân liệt thể đơn thuần

Các triệu chứng âm tính đặc trưng cho bệnh tâm thần phân liệt với tác phong dị kỳ phát triển âm thầm và sự sút kém trong tất cả các việc làm; những biến đổi có ý nghĩa trong tác phong cá nhân, biểu hiện sự mất quan tâm đáng kể, sự biếng nhác và cách ly xã hội; các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác không rõ ràng.

3.2.4. Các kiểu tiến triển

Tiến triển của các rối loạn phân liệt cần được sắp xếp theo các mã 5 chữ số sau đây :

F20.x0 Liên tục

F20.x1 Từng giai đoạn với thiếu sót tăng dần

F20.x2 Từng giai đoạn với thiếu sót ổn định

F20.x3 Từng giai đoạn có thuyên giảm

F20.x4 Thuyên giảm không hoàn toàn

F20.x5 Thuyên giảm hoàn toàn

F20.x8 Tiến triển khác

F20.x9 Thời kỳ theo dõi dưới một năm

3.3. Chẩn đoán phân biệt

F21. Rối loạn loại phân liệt

Một rối loạn với các đặc điểm như tác phong dị kỳ, tư duy và cảm xúc khác thường giống như bệnh tâm thần phân liệt nhưng không có những nét bất thường rõ rệt và đặc trưng của bệnh tâm thần phân liệt. Cưa bao giờ có đẩy đủ những tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt.

F22 Rối loạn hoang tưởng dai dẳng

Rối loạn trong đó hoang tưởng kéo dài là nét lâm sàng đặc trưng duy nhất hay chủ yếu và không thể phân loại vào các bệnh tâm thần khác. Đặc điểm của nhóm rối loạn này là sự phát triển hoặc của một hoang tưởng hoặc của một nhóm hoang tưởng có liên quan với nhau thường dai dẳng có khi tồn tại suột đời.

F23 Các rối loạn loạn thần cấp và nhất thời

Các rối loạn loạn thần đáp ứng tiêu chuẩn: Khởi đầu cấp (trong vòng 2 tuần); có hội chứng điển hình; có Stress cấp kết hợp.

F25 Các rối loạn phân liệt cảm xúc

Đó là những rối loạn từng giai đoạn trong đó các triệu chứng cảm xúc lẫn phân liệt đều nổi bật trong cùng một giai đoạn của bệnh (đồng thời hoặc cách nhau vài ngày). Giai đoạn của bệnh không đáp ứng những tiêu chuẩn hoặc của bệnh tâm thần phân liệt hoặc của giai đoạn trẩm cảm, hay giai đoạn hưng cảm.

F28 Các rối loạn loạn thần không thực tổn khác

F29 Loạn thần không thực tổn không biệt định

  1. ĐIỀU TRỊ

Hiện tại, điều trị cho bệnh tâm thần phân liệt có hiệu quả khi chúng được kết hợp: về thuốc, tâm lý liệu pháp, hỗ trợ về gia đình – xã hội. Sự hỗ trợ và tham gia của gia đình là một phần cốt yếu cho sự thành công.

4.1. Điều trị bằng thuốc

4.1.1.Nguyên tắc chung

1) Xây dựng sự kết hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc, bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Mục đích làm cho bệnh nhân và gia đình tin tưởng để cung cấp thông tin đầy đủ liên quan tới sự phát sinh, tiến triển bệnh, để bệnh nhân tuân thủ điều trị và cùng thầy thuốc đánh giá kết quả điều trị.

2) Khám xét và giải quyết vấn đề toàn diện dựa trên tiếp cận sinh học- tâm lý- xã hội. Dùng thuốc là một biện pháp quan trong nhất để điều trị bệnh tâm thần phân liệt nhưng phải là tất cả. Thầy thuốc và các nhà tâm lý lâm sàng cần kết hợp và nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện để lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp.

3) Chẩn đoán chính xác

4) Điều trị bệnh tâm thần phân liệt nên theo 2 giai đoạn:

– Giai đoạn cấp tính: điều trị làm giảm đến mức tối đa các triệu chứng của bệnh. Bệnh nhân cần điều trị nội trú tại bệnh viện để có điều kiện đánh giá bệnh, chẩn đoán chính xác, chọn thuốc và liều thuốc, điều trị tấn công (liều cao, tiêm), hay sử dụng các biện pháp điều trị tích cực khác và theo dõi tác dụng phụ được sát sao.

– Giai đoạn bệnh ổn định: cho thuốc liều thấp để điều trị duy trì phòng ngừa tái phát.

5) Chọn thuốc hướng thần để điều trị bệnh tâm thần phân liệt dựa: tiền sử bệnh nhân (tiền sử bệnh, hiệu quả của các thuốc đã dùng, các tác dụng phụ…); trạng thái bệnh hiện nay; kế hoạch điều trị.

6) Thay đổi thuốc và kết hợp thuốc: khi sử dụng một loại thuốc trong một thời gian mà ít kết quả nên kết hợp thuốc hay thay đổi thuốc. Không nên kết hợp đồng thời >3 loại thuốc an thần kinh.

7) đánh giá kết quả điều trị. Thầy thuốc phải lắng nghe ý kiến của bệnh nhân và gia đình họ về kế hoạch điều trị, về thuốc sử dụng và cùng với họ đánh giá kết quả điều trị. Bốn mức độ thuyên giảm gồm: thuyên giảm tốt (hết tất cả các triệu chứng, bệnh nhân trở lại bình thường); thuyên giảm khá (hết các triệu chứng dương tính, các triệu chứng âm tính gẩn hết, bệnh nhân trở lại gẩn như bình thường); thuyên giảm trung bình (còn vài triệu chứng dương tính, âm tính nhẹ, bị động trong sinh hoạt, giao tiếp); không thuyên giảm.

8) Thất bại điều trị

Muốn đánh giá một thuốc tâm thần có kết quả hay không thì phải cho thuốc đúng với tình trạng bệnh, đủ liều, có hiệu quả, đủ thời gian cần thiết cho thuốc có tác dụng. Mỗi khi thất bại điều trị cần xem xét lại các điểm sau: chẩn đoán ban đầu có đúng không? thuốc có đủ liều và thời gian không? bệnh nhân có uống thuốc hay không?

4.1.2.Tác dụng phụ của thuốc

Thuốc an thần kinh có một số tác dụng phụ rất quan trọng làm bệnh nhân khó chịu và ảnh hưởng tới sự dung nạp thuốc của bệnh nhân: Hội chứng an thần kinh ác tính (Neuroleptic malignant syndrom): 3 tiêu chuẩn chủ yếu: Sốt, cứng cơ, tăng tỷ lệ Creatinine phosphokinase;  6 tiêu chuẩn phụ: tim đập nhanh, bất thường về huyết áp, thở nhanh, suy giảm ý thức, ra mồ hôi nhiều và tăng bạch cầu. Đây là một trạng thái bệnh lý cấp cứu. Hạ huyết áp tư thế. Các rối loạn thần kinh khác: rối loạn trương lực cơ cấp (vẹo cổ, lè lưỡi, nuốt khó…), ; hội chứng liệt rung (nét mặt đờ đẫn, đi chậm chạp, run…); đứng ngồi không yên; rối loạn vận động muộn…

4.1.3. Danh mục một số thuốc dùng điều trị bệnh tâm thần phân liệt

 

Thuốc Tên thương mại Mẫu Liều ban đầu

(mg/ngày)

Phạm vi duy trì liều thông thường Liều tối đa

(mg/ngày)

Clozapine Clozaril leponex Viên nén 12.5–25 150–600 900
Risperidone Risperdal Viên nén 1–2 3–6 16
Olanzapine Zyprexa Viên  nén 5–10 10–20 20
Quetiapine Seroquel Viên  nén 50–100 300–600 800
Ziprasidone Zeldox/Geodon Viên nén 40–80 40–60 160
Aripiprazole* Abilify Viên nén 10–15 10–30 30
Pimozide Orap Viên nén 2 2–20 20
Haloperidol Haldol Viên nén 1–5 5–25 60
Haloperidol

decanoate

Haldol-D Tiêm tác động

Chậm

25–50 (IM) 50–200/2–4

tuần

300/3–4

tuần

Trifluoperazine Stelazine Viên nén 2–5 2–20 20
Zuclopenthixol Clopixol Viên nén 20–30 20–25 150
Zuclopenthixol

Decanoate

Clopixol-D Tiêm tác động

Chậm

50–100 200–400/2–4

tuần

600

hàng tuần

Chlorpromazine Largactil Viên nén 50–100 300–800 1000
Thioridazine Melleril Viên nén 50–100 300–800 800
Thiothixene Navane Viên nén 5–10 15–50 50
Loxapine Loxitane Viên nén 20 50–100 150
Perphennazine Trilafon Viên nén 4–8 16–56 64
Molin Moban Viên nén 20 50–100 150
Fluphenazine Proxilin Viên nén, 5 5 – 20 20
Fluphenazine

Decanocate

Proxilin D Tiêm tác động chậm 12.5 – 25 12.5-50/2-4 tuần 100/4 tuần
Zotepine Zoleptil Viên nén 50 – 75 150 – 300 300
Sulpiride Dolmatil Viên nén 400 – 800 800 – 1600 2400
Amisulpride Solian Viên nén 400 – 800 400 – 800 1200
Sertindole Serdolect Viên nén 4 12 – 20 24
* Hiện tại không được phép sử dụng tại châu Âu

4.2. Liệu pháp sốc điện (ECT)

Vai trò của liệu pháp sốc điện (ECT) trong điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt hiện nay bị hạn chế. ECT được chỉ định khi bệnh nhân có dạng bệnh căng trương lực, hành vi tự sát, khi bệnh nhân có bệnh trầm cảm nặng kèm theo. Nó được xem như là cách điều trị cuối cùng tốt nhất đối với bệnh nhân nặng và dai dẳng.

4.3. Liệu pháp cá nhân

Liệu pháp tâm lý/tư vấn hỗ trợ cá nhân là một khía cạnh quan trọng của việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt. Liệu pháp này thường tập trung vào các hoạt động hằng ngày và đặc trưng, và nó không phải là loại liệu pháp tâm lý định hướng nhận thức bên trong hoặc kinh điển. Bệnh nhân có nhu cầu rất nhiều về hỗ trợ và tư vấn. Có nhiều vấn đề được điều trị tốt nhất với tư vấn/liệu pháp tâm lý cá nhân – ý nghĩa này và tác động ảnh hưởng của loạn thần, nhận thức bên trong, mục tiêu cá nhân và tuổi thọ trung bình, mối quan hệ với gia đình và bạn bè, quan hệ tình dục và bản năng sinh dục, lựa chọn nghề nghiệp, xử trí stress, v.v…

4.4. Liệu pháp nhận thức hành vi

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) đã được đưa vào ứng dụng đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt nặng có ảo giác hoặc hoang tưởng lo âu và dai dẳng. Các kỹ thuật và kỹ năng sử dụng CBT ở bệnh nhân tâm thần phân liệt được mô tả rất rõ. Hiện tại có một vài nghiên cứu khẳng định rằng đây là cách điều trị hiệu quả. Phương pháp này cố gắng dùng mức độ nhận thức của bệnh nhân và đánh giá các nguy cơ và lợi ích việc điều trị để tăng cường sự câu thúc và tuân thủ trị liệu của bệnh nhân. Có chứng cứ hỗ trợ về phương thức này trong điều trị duy trì bệnh nhân TTPL.

4.5. Liệu pháp gia đình

Liệu pháp tâm lý xã hội gia đình xuất phát từ việc theo dõi bệnh nhân khi ổn định điều trị thuốc và sau đó quay trở về gia đình có biểu lộ cảm xúc cao có hậu quả tái phát kém. Nỗ lực làm giảm nguy cơ tái phát này dẫn đến nhiều chiến lược liệu pháp gia đình và giáo dục sức khỏe tâm thần khác nhau. liệu pháp tâm lý gia đình sử dụng các kỹ thuật giáo dục sức khỏe tâm thần và hành vi có thể đạt được kết quả trên bệnh nhân tốt hơn so với chăm sóc thông thường.

4.6. Hướng dẫn các kỹ năng xã hội

Hướng dẫn các kỹ năng xã hội được công nhận như là phương thức điều trị quan trọng đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt. Người ta nhận thấy rằng, do bệnh này khởi phát sớm cho nên nhiều bệnh nhân sẽ không bao giờ hiểu biết hoặc trải qua các tình huống xã hội mà phần lớn người trưởng thành đã và hiện tại cứ cho là như vậy.Nhân viên sức khỏe tâm thần  giúp bệnh nhân lên kế hoạch và tham gia các hoạt động xã hội, và thực hiện các thói quen hằng ngày như nấu nướng, giặt ủi và quản lý tài chính.   

4.7. Phục hồi chức năng về nghề nghiệp

Phục hồi chức năng nghề nghiệp là thành phần quan trọng nhưng phần lớn thường thiếu sự trợ giúp của việc chăm sóc toàn diện bệnh nhân tâm thần phân liệt.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Việt (1991), Bệnh tâm thần phân liệt, Bách khoa thư bệnh học tập 1, Trung tâm quốc gia biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam, Hà Nội, Tr.77-80.
  2. Nguyễn Văn Siêm, Cao Tiến Đức (2011), Dược lý học tâm thần, hóa liệu pháp trong một số rối loạn tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên, Nhà xuất bản y học.
  3. Tổ chức y tế thế giới (1992). Phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10, Bản dịch tiếng Việt.
  4. S., Papadimitriou.G (2009). Schizophrenia. Biopshosocial Approaches and Current Challenges.
  5. B.P., Buckley.F.P. (2006). Schizophrenia, Handbook.
  6. E.M., Travis M.J. (2005), Schizophrenia, Handbook.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.